Albrecht Dürer sinh ngày 21/05/1471 tại Đức. Ông là một họa sĩ, một nhà đồ họa và một lý thuyết gia về nghệ thuật nổi tiếng ở châu Âu.
Ở Đức vào thế kỉ thứ 15, trong một làng nhỏ gần Nuremberg, có một gia đình có tận 18 đứa con. Để nuôi sống ngần ấy miệng ăn, người cha - người chủ gia đình, một người thợ kim hoàn đã làm việc tích cực 18 giờ đồng hồ mỗi ngày. Bất chấp hoàn cảnh khó khăn của gia đình, hai người con của ông, Albrecht và Albert vẫn theo đuổi ước mơ của mình, đó là hội hoạ. Chúng cũng luôn biết rằng, cha chúng không bao giờ có đủ điều kiện kinh tế để cho chúng học đại học tại Nuremberg.
Sau nhiều tối tranh luận trên chiếc giường chen chúc chật chội, hai cậu con trai cuối cùng quyết định tung đồng xu. Người thua cuộc sẽ đi làm việc tại hầm mỏ để kiếm tiền cho người kia theo học. Sau đó, khi người đi học hoàn thành khoá học, sau 4 năm sẽ lại đi làm để hỗ trợ cho người kia học.
Buổi sáng chủ nhật, sau khi đi lễ nhà thờ, họ đã tiến hành tung đồng xu để quyết định. Albrecht đã thắng và lên đường tới Nuremberg. Còn Albert thì phải làm việc trong một hầm mỏ nguy hiểm để chu cấp tài chính cho em trai mình theo học.
Albrecht học hành chăm chỉ, cùng với tài năng bẩm sinh của mình, những bức họa, những bức khắc gỗ của anh đều rất đẹp, thậm chí còn vượt xa cả những bậc thầy của mình. Khi tốt nghiệp, anh đã kiếm được một số tiền kha khá từ sản phẩm do chính mình làm ra.
Khi Albrecht trở về làng, gia đình Durer mở một bữa tiệc để mừng thành công của con trai. Sau bữa cơm thân mật rộn rã tiếng cười, từ vị trí trang trọng ở đầu bàn, Albrecht đứng dậy nâng cốc với người anh trai đã hi sinh 4 năm trời làm việc vất vả để anh có được thành công hôm nay. Anh nói: “Và bây giờ, Albert, người anh yêu quý của em, đến lượt anh rồi. Anh sẽ đến Nuremberg để theo đuổi ước mơ sự nghiệp của mình. Em sẽ chu cấp tài chính cho anh như anh đã từng làm cho em”.
Tất cả mọi người hướng về phía Albert đang ngồi ở cuối bàn, nước mắt đang tuôn tràn trên má anh. Anh lắc đầu nói trong tiếng nức nở: “Không, không…”
Cuối cùng, Albert đứng lên lau nước mắt. Anh cúi xuống nhìn tất cả người thân yêu của mình, đưa tay áp lên má phải: “Không thể được rồi, anh không thể đến Nuremberg. Quá muộn với anh. Hãy nhìn đi, hãy nhìn xem 4 năm trong hầm mỏ đã làm tay anh như thế nào. Xương ở các ngón tay đã bị tê liệt, sau đó tay phải anh đã bị viêm khớp. Thậm chí anh không thể cầm chắc được ly rượu, huống chi là cầm bút vẽ. Quá muộn rồi em ạ!”
Để thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn sự hi sinh của anh trai, Albrecht đã tỉ mĩ vẽ một bức tranh dành tặng cho anh. Đó là bức tranh vẽ đôi bàn tay không còn lành lặn áp vào nhau, với những ngón tay xương gầy hướng lên trời. Anh gọi bức tranh của mình đơn giản chỉ là “Hands” (Bàn tay), nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật này và đặt tên cho món quà tình yêu ấy là “The praying hands” (Đôi bàn tay nguyện cầu).
Hơn 450 năm sau, giờ đây, hàng trăm tác phẩm của Alrecht Durer được trưng bày trong nhiều viện bảo tàng lớn trên thế giới, nhưng điều lạ lùng là phần lớn người ta biết đến tranh ông, thậm chí treo trong nhà bản sao của chỉ một tác phẩm duy nhất - Đôi bàn tay nguyện cầu.
Nếu có dịp bạn được chiêm ngưỡng tác phẩm xúc động này, hãy dành ít phút lắng hồn mình để tự nhủ rằng: Tác phẩm nghệ thuật ấy được kết tinh từ bàn tay không phải chỉ của một người hoạ sĩ!
Suy gẫm :- Có những thành quả đạt được phải nhờ đến sự hi sinh của cả cuộc đời sự nghiệp của người khác. Và chúng ta chỉ biết nói 2 từ BIẾT ƠN.
- Chúng ta đã từng biết đến sự hy sinh cao cả và lớn hơn nữa đó chính Chúa Jêsus đã hy sinh cả mạng sống của mình để chuộc chúng ta ra khỏi sự chết. Chúng ta làm gì để xứng đáng với sự hy sinh đó ?. Chúng ta làm gì để cho sự chết của Chúa không trở nên vô ích đó là điều mà mỗi chúng ta tự xét lấy lòng, để chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta với Chúa.
Ban Biên Tập (loisusong.net).