Mục Sư Jonathan Goforth Và Con Chim Gõ Kiến HoiThanh.Com - Nhiều lần Jonathan Goforth trở về nhà từ buổi nhóm thường chào vợ với câu : “Này, tôi phải tự nhắc nhở mình về con chim gõ kiến tối nay.” Trong cuộc đời ông đã sớm chọn cho mình câu phương châm : “Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần Ta” (Xa-cha-ri 4:6).
Khi ông bà Mục sư Goforth tham dự Đại Hội mùa hè ở Chicago, chủ tọa của Đại Hội giới thiệu một “diễn giả lỗi lạc” của Đại Hội với đầy lời tán dương. Vị diễn giả xa lạ ấy ngồi cúi đầu xuống che khuất mặt. Khi bước lên tòa giảng, ông đứng im lặng hồi lâu như cầu nguyện, rồi bảo :
“Thưa quý vị, khi lắng nghe những lời như chúng ta vừa nghe, tôi phải tự nhắc nhở mình về câu chuyện con chim gõ kiến, loại chim mỏ dài hay đậu vào thân cây mà mổ kiến, như sau : Một con chim gõ kiến nọ bay cao tới ngọn của một cây thông và mổ ba cú thật mạnh vào thân cây như chim gõ kiến vẫn thường làm. Ngay lúc đó, một tiếng sét đánh vào thân cây, biến nó trở thành một đống mảnh vụn trên mặt đất. Ngạc nhiên lẫn kinh sợ, con chim gõ kiến liền bay đến bám chặt vào thân cây gần bên, chờ đợi coi rồi sự gì sẽ xảy ra tiếp. Nhưng khi tất cả hoàn toàn lắng đọng, nó bắt đầu tự khoái trá và nói với chính mình, “Quái lạ quá, coi kìa ! Nào ai có thể tưởng tượng được rằng, chỉ ba cú mổ của mỏ tôi mà có được sức mạnh đến dường ấy !”
Khi tiếng cười dứt, diễn giả tiếp tục : “Vâng, thưa quý vị, hãy nhớ rằng, nếu chúng ta nhận lấy cho chính mình sự vinh quang mà chỉ thuộc về Đức Chúa Trời toàn năng, chúng ta không những chỉ dại dột như con chim gõ kiến này thôi, mà còn phạm phải một tội rất trầm trọng nữa, bởi vì Chúa phán, “Sự vinh quang của Ta sẽ không nhường cho bất cứ ai”.
Nhiều lần Jonathan Goforth trở về nhà từ buổi nhóm thường chào vợ với câu : “Này, tôi phải tự nhắc nhở mình về con chim gõ kiến tối nay.” Trong cuộc đời ông đã sớm chọn cho mình câu phương châm : “Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần Ta” (Xa-cha-ri 4:6).
Jornathan Goforth đã sống đúng như vậy, ông sớm nhận biết quyền năng của Chúa và dốc lòng tìm kiếm Ngài thật sự nên Chúa đã dùng ông một cách đặc biệt, Ngài đã dấy ông lên từ một đầy tớ rất hèn mọn trở thành sứ giả phục hưng Trung Quốc.
Năm 1905, Jonathan khởi sự tìm kiếm Đức Chúa Trời cách mới mẻ, để được thêm quyền năng trong đời sống và chức vụ. Ông bị ray rứt bởi tư tưởng cả triệu người Trung Hoa vẫn còn chưa tin Đấng Christ và không hy vọng. Cả tấm lòng ông ngấm ngầm bùng cháy vì lời hứa của Đấng Christ về “việc lớn hơn” có thể được thấy trong chức vụ của ông. Cuối cùng, vào mùa thu năm 1905, xa tận ở Ấn Độ, Tiến sĩ Margaret McKellar, một người bạn mà bà Goforth gặp hồi còn là sinh viên và lâu nay không có sự trao đổi thư từ nào, bỗng dưng được Đức Chúa Trời hướng dẫn gửi cho Jonathan một cuốn sách nhỏ tựa là “A Great Awakening”. Đây là một cuốn sách tuyệt vời, trong đó có trích tự truyện và bài giảng phấn hưng của Finney. Đó là tia lửa cuối cùng đốt cho ông bùng cháy. Bởi vì đây là nhân tố Đức Chúa Trời dùng để thay đổi hoàn toàn cuộc đời và chức vụ của ông. Tác giả nói : “Những tín đồ chỉ mong mỏi cầu xin được mùa thiêng liêng mà không theo đúng luật lệ mùa màng thiêng liêng khác nào một người làm ruộng chỉ cố xin cho được mùa mà không chịu đi vãi giống.” Ông bèn hứa nguyện : “Nếu Finney nói đúng, và tôi tin là ông ấy đúng, thì tôi sẽ cố tìm các luật lệ đó và làm trọn, dầu khó khăn thế nào cũng chẳng quản.”
Từ đó ông tập trung học hỏi, miệt mài nghiên cứu về Đức Thánh Linh, tìm thì giờ có thể có được để chỉ học về Ngài. Ông biệt riêng thời giờ để làm việc, thức dậy trước 6 giờ, có khi 5 giờ, để liên tục nghiên cứu Kinh Thánh. Thấy vậy, vợ ông lấy làm lo ngại. Một ngày kia khi bước vào phòng làm việc của ông, bà thấy ông đang quỳ gối với quyển Kinh Thánh và cây viết chì trước mặt. Bà bảo, “Jonathan, anh không có đi quá xa trong việc này chứ ? Em sợ anh quỵ mất !” Đứng dậy, đặt tay trên đôi vai của bà, ông nói : “Em yêu, ngay cả em cũng không hiểu ! Anh cảm thấy như người đang đào mỏ vàng ! Thật tuyệt vời ! Ôi chao, nếu anh chỉ có thể làm cho người khác thấy được !”
Sơn Tây vốn nổi tiếng là “tỉnh người tuận đạo” ở Trung Quốc. Năm 1900, tỉnh ấy nằm dưới bàn tay sắt của Yu Hsien, một viên tổng đốc đê hèn nhất. Loạn Quyền Phỉ nổi lên, viên tổng đốc ấy trổi hẳn đồng liêu về sự bắt bớ Hội Thánh, không kể tín đồ bản xứ, hàng trăm giáo sĩ đã bị tàn sát ở Sơn Tây. Câu chuyện sau đây được một nhà trí thức trứ danh của tỉnh Sơn Tây kể lại và bảo rằng chính cuộc tàn sát diễn ra trong dinh tổng đốc Taiyuanfu năm 1900 đã khiến ông tìm tòi tra xét Kinh Thánh.
Hôm ấy, đang đứng ở công trường, thình lình ông thấy chừng 60 giáo sĩ xích chung nhau bị giải vào cách hung bạo để chờ đợi giờ hành hình. Họ vẫn bình tĩnh lạ thường, không sợ sệt, không van lơn. Ông kể tiếp. Trước giờ ghê gớm, một cô bé tóc vàng hoe, chừng 13 tuổi, tiến đến trước mặt quan tổng đốc: ”Sao ông muốn giết chúng tôi ?” Tiếng cô lanh lảnh vang dội trong sân rộng thênh thang. “Các bác sĩ của chúng tôi há không lìa bỏ quê hương xa vời để đến hy sinh tánh mạng cứu giúp các ông sao? Họ đã chữa những bệnh hầu như nan y… đã đem lại vui tươi hạnh phúc cho hàng ngàn gia đình. Có phải vì thế mà ông giết chúng tôi ư?” Viên tổng đốc cúi đầu, không đáp. Cô lại nói : “Thưa ông tổng đốc, ông thường dạy về đạo hiếu, chữ hiếu đứng đầu trăm nết tốt. Song ở tỉnh này có hàng trăm thanh niên nghiện thuốc phiện và máu mê cờ bạc; họ làm sao giữ được đạo hiếu? Các giáo sĩ lìa quê hương xứ sở, đến đây làm chứng về Chúa Giê-xu và Ngài đã cứu chuộc bọn thanh niên phóng đãng ấy, khiến họ sống một đời lương thiện, biết yêu mến và vâng lời cha mẹ. Phải chăng vì thế mà ông định giết chúng tôi?” Viên tổng đốc cau mày vì lời buộc tội sâu sắc. Dường như có sự thay ngôi đổi bậc, em bé thành ra quan tòa và tổng đốc là tội nhân. Nhưng một tên lính đứng gần đó nắm tóc đứa bé và vung gươm chém một nhát !
“Chiều hôm ấy,” nhà trí thức nói tiếp – “tôi thấy 59 người, cả đàn ông, đàn bà, con trẻ bình tĩnh mỉm cười mà chết. Một bà vẫn vui vẻ nói chuyện với con trai nhỏ, tay vịn tay. Đến phiên, bà ngã gục trên nền gạch song đứa bé vẫn ngang nhiên đứng, tay vẫn nắm chặt bàn tay mẹ. Một nhát kiếm nữa, đứa bé liền ngã gục xuống !... Vì thế, tôi phải tìm tòi tra xét Kinh Thánh và phải nhìn nhận rằng Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời.
Mùa thu năm 1908, Goforth đến Taiyuan với một tấm lòng kính cẩn vì máu người tuận đạo đã tưới nơi đây 8 năm về trước. Chúa Thánh Linh hành động cách mạnh mẽ lạ kỳ trong Hội Thánh Taiyuan đến nỗi khách qua đường thường bảo nhau rằng : Một “Giê-xu mới” vừa ngự đến ! Họ nói thế vì từ bao năm nay, nhiều người mang danh tín đồ vẫn cứ lừa gạt và gây gỗ với láng giềng, thậm chí có người chửi cha mẹ và đánh đập vợ, con. Họ tưởng “Giê-xu cũ” đã mất hết quyền lực rồi và “Giê-xu mới” làm lắm việc diệu kỳ, đến nỗi những tín đồ sa ngã bấy lâu đều đứng dậy xưng tội giữa hội chúng rồi đi trả nợ cho những người láng giềng vô tín và xin lỗi họ; lạ hơn nữa là nhiều người chồng lại hạ mình xin lỗi vợ đã bị mình bạc đãi bấy lâu! Thế là sự phấn hưng đã khiến người vô tín nhìn nhận rằng Đức Chúa Trời đã viếng thăm dân sự Ngài.
Chiến Thắng (theo Những Tinh Binh Thập Tự)