Năm Tân Mão Nói Chuyện Mèo
Âm lịch Việt nam và Trung hoa trong mười hai con giáp có mấy biểu tượng khác nhau. Năm nay Tân mão Trung hoa lấy con Thỏ, thì Việt nam lấy con mèolàm biểu tượng Nhiều nhà nghiên cứu đã bình uận nhiều cách khác nhau, trong đó cách lý giải sau cũng có phần có lý. Một trong những lý giải đó là có thể là bắt nguồn từ lỗi dịch thuật phức tạp từ cách tính “12 con giáp”.
Trung Quốc và Việt Nam đều có cách tính “12 con giáp”, trong đó có 11 loài vật tượng trưng mỗi năm của hai nước đều giống nhau gồm: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Thìn (rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó) và Hợi (heo).
Trong tiếng Hoa, phát âm tên con mèo là “mao”,rõ là khá giống người Việt phát âm “mèo”. Cả hai cách phát âm bắt nguồn từ âm tiếng Hán thời xưa “mão”. Ở Trung Quốc ngày xưa thường bị lẫn lộn giữa mèo và thỏ trong cách viết và phát âm. Vì thỏ là loài vật có nhiều ý nghĩa hơn mèo trong văn hóa truyền thống Trung Hoa nên người Trung Quốc về sau này đã quyết định chọn con Thỏ để đưa vào12 con giáp.
Nhưng theo tôi nghĩ người Lạc Việt xưa đã không muốn thuần phục mẫu quốc là Trung quốc của mình, họ muốn có một phong cách riêng biệt của người Việt. Cụ thể như về y phục, rồi đến chữ viết họ cũng muốn tạo ra một chữ dùng riêng để diễn đạt đúng ngôn từ ý nghĩa và cách phát âm riêng. Theo lịch sử ngày xưa Sĩ nhiếp sang làm Thái thú Giao Chỉ muốn thuần hóa dân Việt và phải học chữ Hán và phát âm theo ngữ âm người Hoa, đầu tiên lấy tiếng Quảng Đông để dễ đọc vì nó phát âm có phần tương đồng tiếng Việt. Ví dụ câu đầu của bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế tiếng Quảng đọc là “ Ụy Lạc Vú Thầy Cón Mụ Thỉn”. Dù cho người Việt và người Hoa chữ viết lúc đó đều giống nhau nhưng người Việt lại có cách riêng gọi là PHIÊN ÂM ra và đọc là “Nguyệt Lạc Ô Đề Sương Mãn Thiên” Nghĩa là: “ Quạ kêu, trăng lẫn sương trời” Vấn đề ở đây là người Việt rất thông minh vì phiên âm rất sát nghĩa và đúng từ , nếu không thì bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt là thơ Đường Luật nó sẽ thất niêm thất luật, vì không thể phiên từ thanh trắc ra thanhbằng được. Sau đó người Việt sáng tạo ra Chữ Nôm, để diễn đạt ngôn từ Việt. Và đến năm 1721 Tiến sĩ Hồ Sỹ Tân ra sách Thọ Mai Gia Lễ để thay thế cho Chu Công Gia lễ của Trung quốc để người việc cử hành tang lễ theo phong cách của người Việt, chứ không theo Chu Công Gia lễ của Trung quốc
Trở lại chuyện con mèo, cùng một thể ấy người Việt cũng muốn khác trong bảng mười
hai con giáp của Trung quốc một chút, vì có lẽ con mèo rất gần gũi với người
Việt nhất là việc diệt trừ loại chuột gặm nhắm, phá phách đồ đạc trong nhà. Mèo
rất dễ thương đôi khi dịu dàng và hay làm nũng, cho nên đàn ông đã có vợ nếu có
người thêm người yêu kín thì dân gian thường gọi những chàng ấy là “có mèo”. Chuyện về Mèo có rất nhiều điều lý thú. Trong nước, người ta gọi mèo là “tiểu hổ” không biết ai đồn ra thịt mèo ăn bổ ngã như thể nào mà có rất nhiều quán nhậu thịt mèo 7 món. Người ngoại quốc nghe người Việt ăn nhậu như vậy họ rất ghê sợ. Còn loại mèo đen thì gọi là Linh Miêu, không biết làm được thuốc gì nên cũng quý hiếm, vì thế
người ta săn tìm để mua cho được mèo Muông (đen) Có một anh chàng láu cá nọ chuyên mua bán Mèo. Quá nhiều người đặt hàng mèo đen nhưng anh không thể đáp ứng nỗi, anh ta nghĩ ra một sáng kiến mua thuốc nhuộm tóc đen nhuộm hết các con mèo tam thể, mèo trắng, vàng, xám v.v và đi bán cho những người đặt hàng với giá cao.. Rất nhiều người không biết vì mua mèo về là thịt liền, cứ tưởng là Linh miêu sẽ trị được bá bịnh. Có một ông nọ sợ hết hàng nên đặt mua 2 con, thịt 1 con còn một con nuôi để dành sẽ thịt sau,vài ba tuần sau sao thấy chân lông mèo lại sinh ra màu trắng. Ông sinh nghi giữ mèo lại, ông quyết tìm người bán đập một trận cho chừa cái tội lừa dối. Nhưng anh chàng ấy cũng cao chay xa bay. Anh chàng nầy chắc cũng lừa gạt nhiều người nên tục ngữ Việt nam lại có câu “mèo già hóa cáo” là vậy. Viết lại câu chuyện nầy để quý vị có thêm một kinh nghiệm trong mua bán, và phải khôn ngoan để phân biệt giả chơn,vì ở trong lãnh vực nào cũng có sự gian dối.
Trong Kinh Thánh Cựu Ước có 3 lần nói về Mèo nhưng không phải là con mèo ta đang nói trên mà là Con Chim Mèo là loài chim cú, chuyên ăn đêm, trên đầu có hai cái tai giống như con mèo. Ở Lê-vi ký chương 11 nói về vật sạch và không sạch. Câu17 đề cập đến Chim Mèo là loài vật không nên ăn. Đến Phục Truyền Luật lệ ký chương 14 cũng nhắc lại: “ Chim mèo, chim ụt, con hạc” ( câu 16) nó là loài vật
không sạch, không nên ăn.. Đến Thi Thiên 102 diễn tả cơn hoạn nạn đến với tác giả, trong đó có câu: “tôi giống như diều hâu trong sa mạc, chim cú mèo ở những nơi hoang tàn”.
Hình tượng “mèo” đã xuất hiện trong ngôn ngữ loài người có lẽ vì mèo sống gần gũi với người nhiều hơn các vật khác. Trong các thành ngữ, tục ngữ người ta đã nhân cách hoá mèo để qua mèo nói về những hành vi cử chỉ của con người. Chẳng hạn: “Mèo khen mèo dài đuôi” là ám chỉ những người khoe khoang khoác lác, kiêu ngạo về bản thân mình. “Mèo nào cắn mĩu nào” ý nói chưa biết ai sẽ thiệt hại trong một cuộc tranh chấp. “Chuột khóc mèo”Chỉ sự giả dối, người khóc như “ nước mắt cá sấu” vậy. “Chó chết, mèo le lưỡi” Ý nói trong cuộc xung đột nào đó đều có sự ảnh hưởng với nhau.“Chó treo mèo đậy” Chó phải treo cao, mèo đậy kín thì chúng không thể ăn vụng được, nhưng nghĩa bóng câu nầy khuyên chúng ta phải cẩn thận, của cải phải kín đáo, giữ gìn chớ hớ hênh. “ Làmnhư mèo thấy mỡ” chỉ sự khao khát thèm thuồng vật gì đó, hoặc sự biểu lộ rõ rệt của con trai khi thấy con gái đẹp thì ham hố quá. “Mèo mỡ”Ý chỉ cuộc tình ngoài hôn nhân, hoặc chỉ sự ham thích tình dục ngoài hôn nhân. “Trò mèo vờn chuột” chỉ cuộc đuổi bắt, trốn tìm trong đó có sự thiếu sòng phẳng... “Như Mèo giấu cứt” chỉ sự kín đáo, bí mật về chuyện riêng tư. “Mèo mã gà đồng” Những con vật hoang. Ý nói hạng người không ra gì, vô lại hèn hạ. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du câu 1731 diễn tả cảnh Nàng Kiều bị Hoạn Thư sai Khuyển Ưng bắt về và diếc mắng rằng: “Ra tuồn mèo mả gà đồng/ Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào”. “ Mèo Vằn Chó Vện” ý nói không có vệ sinh sạch sẽ. Còn viết chữ xấu thì nói là "Viết chữ như mèo quào” Học trò mà yếu đuối thì có tiếng chê là “ Mút lông mèo” Ăn uống nhỏ nhẻ, ăn ít quá thì cho là “ ăn như mèo”. Quan niện người xưa “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu” Tiệc tùng mà thức ăn ít quá thì cho là “ Đồ ăn Mèo ngửi”. Nhiều người hay “nổ” hoặc đặt để chuyện không nói có thì có câu: “ Nói chuyện Mèo đẻ ra Trăng !”
Nhiều người được may mắn, không tài cán gì mà gặp hên trong tình duyên hay được phất lên trong tài lộc thì có câu: “Mèo mù vớ cá rán”.
Thường cô dâu hay mặc váy dài, đồng thời cũng nói những người mà bận quần áo dài quá là “Lượt bược như con mèo ướt”. Rất hay,rất đẹp, rất dễ thương thì cho là “Tuyệt Cú Mèo” Trong thành ngữ Hán Việt cócâu “ Miêu thử đồng miên” có nghĩa là: mèo và chuột ngủ chung với nhau ý nói kẻ gian tà đồng mưu chia lợi. “Miêu nhi bất tú” nghĩa là có sinh trưởng mà không nở hoa, ý chỉ người có tài mà chết sớm.
Trong thuốc bắc có vị thuốc Ban Miêu chữ thì viết giống Miêu nghĩa là mèo, nhưng đó là loài Bọ xít lửa. Vị thuốc nầy phá ung nhọt nhưng rất độc có thể làm phồng da.
Một vị thuốc mát thông dụng là Râu Mèo: một loại dược thảo, còn gọi là”bông bạc” tên khoa học là Orthsiphon Stamineus. Tính mát, vị ngọt, có tác dụng: lợi tiểu, giải độc, làm mát huyết, thông tiểu tiện trong bệnh sỏi túi mật, chữa sốt phát ban, cúm, tê thấp, phù thũng, viêm gan, vàng da. Dùng lá, ngọn và hoa khô hãm với nước sôi. Mỗi ngày dùng từ 16 tới 40 gam, hãm trong 1/2 lít nước sôi khoảng 10 phút. Chia làm hai,uống trước bữa ăn 20 hoặc 30 phút, uống nóng.
Trong tiếng Việt có Nấm mèo, Cú mèo, mắt mèo đó là Mèo mà chẳng phải Mèo! Vì nó là những đồ vật hay sinh vật có tên ghép với Mèo. Cũng nên chú ý Ở Việt nam có loại Đậu Mèo, (Tên khác: Đậu móc, dây đậu co, Móc mèo đen) Tên khoa học: Mucuna revoluta Wilmot-Dear mọc hoang, ăn rất ngon nhưng rất độc ăn vào là chết tức thì. Ca dao có câu: “Thương Chồng nấu cháo Đậu mèo/ Chồng ăn chồng chết cù queo trên giường”.
Trong tiếng Anh có rất nhiều tiếng ghép với chữ”cat” như: Cat-block (dây kéo neo tàu thủy); Cat-burglar (trộm leo tường); Cat-eyed; Cat-fish ( Giống như cá trê);
Cat-harpings (thừng buộc buồm với nhau); Cat-head (bộ phận móc neo tàu);
Cat-hole (lỗ thả neo); Cat-lap (Rượu nhạt, trà loãng); Catnap (giấc ngủ trưa ngắn)...v...v.
Nhiều người tưởng mình là khôn ngoan tài giỏi hơn cả Đấng Sáng tạo ra Trời đất nữa, đó là tính kiêu ngao thường có trong loài người. Câu chuyện ngụ ngôn xưa của dân gian xin chép ra đây để Xuân Tân Mão nầy chúng ta cùng suy gẫm:Xưa có một ông nuôi một con mèo, nghĩ rằng con mèo của mình khôn ngoan, tài giỏi không có ai hơn nữa, nên mới đặt tên nó là “Trời”.
Một hôm có người bạn đến chơi. Thấy chủ nhà gọi con mèo là “Trời”, người bạn
ngạc nhiên hỏi:
_ Sao ông lại dám gọi nó là “con Trời”?
Chủ nhà đáp:
_ Con mèo của tôi quý hóa có một, gọi nó là mèo không được. Phải gọi nó là “con
Trời” mới xứng đáng, vì không ai hơn được trời.
Người bạn nói:
_ Thế chẳng phải mây cũng che được mặt trời là gì?
Chủ nhà bảo:
_ Thế thì tôi gọi nó là… con “Mây”!
Người bạn lại nói:
_ Thế nhưng gió lại đuổi được mây!
Chủ nhà lại bảo:
_ Thế thì tôi gọi nó là con “Gió”!
_ Thế nhưng gió lại bị bức tường cản!
_ Thế thì tôi gọi nó là con “Tường”!
_ Thế nhưng chuột lại khoét được tường!
_ Thế thì tôi lại gọi nó là con “Chuột”!
_ Thế nhưng mèo lại bắt được chuột!
Chủ nhà nghĩ một lát rồi bảo:
_ Thôi thì tôi lại gọi nó là con “Mèo” vậy.
Người bạn vỗ tay cười và nói:
_Ôi! Thế thì “Mèo lại hoàn mèo” rồi!
Tôi rất thích Thi ca Thánh Kinh, thơ diễn ý của Tiến sĩ Phan Như Ngọc.
Tôi xin trích vài câu trong (Truyền đạo3:11-12-) để kết thúc bài nầy:
Các vật
Chúa làm đều tốt lành hết thảy.
Vào lúc đương thì đầy sức mới đầy căng.
Ngài cho chúng ta khái niệm vĩnh hằng,
Nhưng việc Chúa đến cùng không thể hiểu.
Ai biết thỏa vui, việc lành lo liệu
Thì cuộc đời thật kỳ diệu vô song.
-------------------------
Viết vào Mùa Xuân Tân Mão 2011
Hiếu Đức