Tha Thứ
Ông Đỗ Tấn Minh - Tallahassee, FL.
Tận trong rừng sâu dọc theo lưu vực sông Amazon thuộc quốc gia Ecuador, Nam Mỹ Châu, có một bộ lạc tên là Waodani mà mãi cho đến thập niên 1950, vẫn còn sống trong tình trạng man di của thời đồ đá. Các nhà nhân chủng học thời bấy giờ đã liệt kê bộ lạc này là một trong những bộ lạc hung dữ và bạo động nhất mà thế giới từng biết đến. Truyền thống báo thù đòi hỏi một người Waodani chẵng những chỉ giết người tại các bộ lạc láng giềng và người bên ngoài (người da trắng) mà còn giết cả những người trong bộ lạc mình khi có sự xích mích nữa. Vũ khí của họ dùng để giết người (và săn thú) là ngọn giáo dài làm bằng cây rừng. Theo phong tục của họ, những người con trai có bổn phận phải trả thù cho cha me và gia đình bị giết chết của mình. Vì vậy, một người nam Waodani khi lớn lên sẽ phải đối đầu với một trong hai tình trạng bạo động: đâm chết người bằng giáo, hoặc bị người đâm chết bằng giáo. Trung bình 6 trong 10 cái chết của người Waodani trưởng thành là bởi giết nhau. Sự giết chóc này đưa mức độ tử vong của bộ lạc lên đến con số 60% và tuổi thọ của một người nam Waodani chỉ đến ngoài 30 mà thôi. Vào thời điểm này, dân số Waodani chỉ còn chừng vài trăm người.
Thấy được viễn ảnh sắp bị diệt chủng của người Waodani, ông Nate Saint, một giáo-sĩ và cũng là một phi công cùng với bốn vị giáo-sĩ trẻ tuổi khác là Jim Elliot, Roger Youderian, Pete Flemming và
Ed McCully đang hầu việc Chúa cho các bộ lạc trong vùng Amazon đã sắp xếp một kế hoạch tiếp xúc với người Waodani hầu đem sứ điệp hòa bình và Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa Giê Su đến cho họ để họ trở về với Ngài và từ đó chấm dứt việc tàn sát lẫn nhau. Ngày 3 tháng Giêng năm 1956, năm giáo sĩ trẻ người Mỹ này đã đáp phi cơ xuống một bải cát bên bờ sông Curaray để mặt đối mặt với người trong làng. Bởi hiều lầm vì bất đồng ngôn ngữ, sáu người đàn ông Waodani đã dùng giáo nhọn tấn công họ. Mặc dù có mang theo súng, nhưng các giáo-sĩ đã không chống trả và bị giết chết bên bờ sông.
Tuy nhiên, câu chuyện này không dừng lại ở đây. Ngày thảm nạn trên đã vĩnh viển thay đổi đời sống của cả gia đình các giáo-sĩ cũng như bộ lạc Waodani như là một một bằng chứng phi thường về sức mạnh của sự tha thứ qua tình yêu thương từ Đức Chúa Trời. Không bao lâu sau vụ thảm sát này, các góa phụ của các giáo sĩ quá cố đã không ngại hiểm nguy, tiếp tục bước đi theo con đường dỡ dang của chồng mình; trong số này có bà Elizabeth Elliot là vợ của giáo sĩ Jim Elliot và bà Rachel Saint là chị của giáo sĩ Nate Saint. Họ đã vào rừng sâu sống với người Waodani, săn sóc y tế và rao giảng Tin Lành cho họ. Hai năm sau đó, sứ điệp về hòa bình và tha thứ trong Chúa Giê Su đã cảm hóa và thay đổi đựợc đời sống của bộ lạc này. Phần đông trong họ đã tin nhận Chúa và một số người tham gia vào cuộc thảm sát đã trở thành những người lãnh đạo của Hội Thánh người Waodani ngày nay. Chúa đã làm phép lạ kỳ diệu trên bộ lạc Waodani, từ một giống dân hung bạo, họ trở thành hiền hòa và không còn giết nhau nữa, bởi vậy họ đã tránh được nạn diệt chủng và dân số của bộ lạc hiện nay đã tăng gần 2000 người.
Có một điều cũng rất đặc biệt trong câu chuyện này là người con trai của giáo-sĩ Nate Saint là Steve Saint, lúc còn nhỏ thường vào rừng thăm cô (bà Rachel Saint) trong mỗi lần nghĩ lễ hay nghĩ hè, đã được một người trong Hội Thánh Waodani tên là Mincaye săn sóc và thương yêu như con. Mãi đến khi lớn lên ông mới biết được người đàn ông Waodani thương yêu, săn sóc mình là người đã cầm giáo đâm chết cha mình năm xưa. Theo đúng tryền thống của người Waodani, ông có thể cầm giáo đâm chết kẻ sát nhân để trả thù cho cha mình. Tuy nhiên, bởi tình yêu thương trong Chúa, ông đã tha thứ hòan toàn cho Mincaye. Chẵng những vậy, Steve Saint còn thương yêu Mincaye như cha của mình và các con cũa ông cũng gọi Mincaye là ông nội và được Mincaye làm phép báp-tem ngay tại khúc sông nơi ông nội ruột của họ bị thảm sát vào đầu năm 1956.
Với quan niệm về “công lý” của con người bình thường dựa vào tinh thần “ăn miếng, trả miếng” hay “giết người đền mạng”; tình yêu thương và sự tha thứ của thân nhân các vị giáo sĩ đối với những kẻ sát nhân thật ngoài sức tưởng tượng và thật khó thực hiện. Tương tự như những người Waodani trước khi được cảm hóa và thay đổi, chúng ta thường có khuynh hướng “trả thù” và nếu không làm gì được thì ít ra cũng căm hận trong lòng những kẻ làm thiệt hại đến mình đến nổi “sống để dạ, chết mang theo” hoặc là “hận này mang xuống tuyền đài không quên”. Thật vậy, tha thứ là một điều rất khó làm. Đối với phần đông chúng ta, kẻ có lỗi “thật đáng ghét” và không đáng được tha thứ. Lại nữa, có người còn cho rằng tha thứ là một dấu hiệu của sự yếu hèn và kết quả chỉ đem lại thiệt hại cho chính mình. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã nêu cho chúng ta tấm gương sáng ngời về lòng tha thứ và Ngài muốn chúng ta cũng tha thứ cho những người đã gieo đau khổ, tổn thương cho chúng ta. Trong lúc chịu cực hình đau đớn trên thập tự giá, một trong những lời cuối cùng Ngài nói trước khi tắt hơi là: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết điều mình làm (Lu-ca 23: 34a).
Đối với những người chung quanh chúng ta, sứ đồ Phao-lô đã đưa ra nguyên tắc sau: "Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Ðức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32). Ông cũng khuyên chúng ta rằng: "Hởi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có lời chép rằng: Sự trả thù thuộc về ta; ta sẽ báo ứng” (Rô-ma 12:19).
Nếu chúng ta tìm cách trả thù người hại ta bằng cách gây đau khổ lại cho họ, thì chúng ta càng tự làm thiệt hại ta bội phần. Người bị chúng ta trả thù, gây khổ thường là sẽ trả thù lại, khiến chúng ta còn phải chịu khổ nhiều hơn nữa. Và nếu cứ tiếp tục tình trạng người trả thù qua, kẻ trả thù lại, thì oán thù sẽ chồng chất, có khi kéo dài từ đời này sang đời khác. Sự trả thù không thể giải quyết được oán thù; chỉ có tình thương mới tiêu diệt được oán thù mà thôi. Cách trả thù tốt nhất là chúng ta cố gắng làm những điều tốt lành nhất cho người hại mình, để biến họ thành người tốt hay thành bạn mình. “Biến thù thành bạn” chính là cách triệt tiêu thù hận khôn ngoan nhất, trong đó không có ai bị hại, mà chúng ta lại còn có thêm bạn. Đó cũng là sự tuân hành lời dạy của Chúa Giêsu: «Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình» (Lu-ca 6: 27b).