truyền thống giáng sinh
Có hai chữ rất gần nhau nhưng ý nghĩa lại xa nhau mà chúng ta thường lẩn lộn. Lẫn lộn không phải vì cố ý, cũng không phải vì không hiểu ý nghĩa, nhưng lẫn lộn vì chúng ta có cái nhìn không đúng vào vấn đề. Hai chữ tôi muốn nói đến đây là truyền thống và tục lệ. Điểm tương đồng giữa truyền thống và tục lệ là cả hai điều nói đến những sự việc xãy ra theo định kỳ, định kỳ đó có thể là mỗi ngày, mỗi tháng hay mỗi năm. Còn điểm khác nhau là truyền thống nói đến một cái gì tốt đẹp, trân quí trong khi đó trục lệ là điều xãy ra mà ta không còn để ý gì đến ý nghĩa.
Lễ Giáng Sinh hằng năm nằm trong hai ý niệm trên mà chúng ta cần phân biệt để không lẫn lộn. Giáng Sinh là một truyền thống tốt đẹp hằng năm nhưng người ta đã biến Giáng Sinh thành một tục lệ hay thông lệ không còn ý nghĩa. Thông lệ Giàng Sinh ở đây là mua sắm, tiệc tùng, vui chơi, trang hoàng nhà cửa, tặng quà cho nhau, nhưng ý nghĩa phía sau những điều đó là gì, chẳng còn mấy ai nghĩ dến.
Quý vị có biết những truyền thống tốt đẹp của Giáng Sinh để sống với truyền thống đó không? Bốn tuần trước lễ Giáng Sinh được gọi là Mùa Vọng. Vọng nghĩa là trông mong hay hướng về. điều chúng ta hướng về không phải là mua sắm, tiệc tùng nhưng là hướng về ngày Chúa đến. Chúa Giê-xu đã đến trần gian nầy 2.000 năm trước và cũng sẽ đến với chúng ta một ngày không xa khi Chúa trở lại đón con cái của Chúa về sống với Ngài đời đời. Chúng ta trông mong hay vọng về hai biến cố trọng đại đó: một biến cố đã xãy ra 2.000 năm trước và một biến cố sẽ đến với chúng ta một ngày không xa.
Trong Mùa Vọng nầy, chúng ta chẳng những chuẩn bị tâm hồn tiếp đón Chúa nhưng cũng chú tâm suy niệm và sống với ý nghĩa của việc Chúa giáng trần. Chúa Giê-xu giáng sinh là để đem ánh sáng đến cho trần gian tăm tối. những ánh đèn rực rỡ khắp nơi nhắc chúng ta nhớ về ánh sáng đó. Ánh sáng đó đã chiếu rọi nơi đồng nội, báo tin mừng cho những người chăn chiên. Ánh sáng đó đã soi đường dẫn lối cho những nhà thông thái Đông phương đến tôn thờ Chúa. Ánh sáng đó vẫn tiếp tục soi rọi, hướng dẫn con người trở về với chân lý. Ánh sáng đã đến trần gian nhưng người ta ưa thích bóng tối hơn ánh sáng, Lời Chúa đã dạy như vậy và vì người ta quay lưng lại với bóng tối nên vẫn tiếp tục sống trong bóng tối. Hãy nhìn vào ánh sáng đèn Giáng Sinh như một nhắc nhở cho chính mình, đừng tiếp tục sống trong bóng tối nữa, nhưng hãy quay lại với ánh sáng.
Giáng Sinh cũng là mùa tặng quà nhưng phải nhớ rằng những quà tặng đó khởi nguồn từ món quà quý nhất Thiên Chúa đã tặng cho nhân loại. Chúa Giê-xu là món quà đó. Giáng Sinh kỉ niệm ngày Đức Chúa Trời ban món quà cứu rỗi cho con người chúng ta vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư vong mà được sự sống vĩnh hằng. Món quà đã ban phát ra nhưng chúng ta có đưa tay ra nhận không là một việc khác. Quà chỉ có ý nghĩa khi được nhận. Thiên Chúa không ban cho chúng ta món quà chúng ta muốn nhưng món quà chúng ta cần. Điều mỗi chúng ta cần là ơn cứu rỗi, là được giải thoát khỏi tội lỗi. Con người sẽ tiếp tục sống trong gông cùm tội lỗi nếu không tiếp nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Các vị quốc trưởng thường có lệ ân xá cho tù nhân hằng năm hay vào những dịp đặc biệt. Lệnh ân xá ban ra mà ta không nhận sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Chúa Giê-xu đã giáng trần và làm tất cả những gì cần làm để cứu chúng ta. Chúa vô tội nhưng đã chịu chết thay cho ta. Bản án lẽ ra chúng ta phải mang nhưng Chúa Giê-xu đã lãnh thế. Chúng ta chỉ cần tiếp nhận với đức tin chân thành là kinh nghiệm ơn tha thứ. Quà dành sẵn đó nhưng ta không nhận nên không thể kinh nghiệm những gì Thiên Chúa dànhcho chúng ta.
Giáng Sinh cũng là mùa yêu thương. Chúng ta thường nói tử tế như ba ngày tết ở đây mùa Giáng Sinh ai cũng có vẻ rộng rãi , dễ dãi nhân hậu hơn. Đó cũng là một truyền thống tốt đẹp của Giáng Sinh phát xuất từ tình yêu cao quý của Thiên Chúa. Tình yêu cao quí của Thiên Chúa đã thể qua việc Chúa Giê-xu giáng sinh. Mùa Giáng Sinh cũng là mùa yêu thương vì Giáng sinh phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nhân loại tội lỗi, phản loạn, chống đối lại Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương và ban Chúa Giê-xu cho nhân loại. Nói đúng hơn Thiên Chúa đã mang lấy hình hài, thể xác con người chúng ta và cuối cùng gánh tội lỗi của chúng ta để chịu chết thế cho chúng ta trên thập tự giá. Chúng ta nói nhiều đến việc Chúa Giê-xu ra đời, nhưng trọng tâm của cuộc đời Chúa Giê-xu không phải ở chỗ Chúa ra đời nhưng ở chỗ Chúa chịu chết thay cho nhân loại. Bết-lê-hem, nơi Chúa ra đời, không quan trọng bằng Gô-gô-tha, nơi Chúa chịu chết. Máng cỏ Chúa nằm lúc sinh ra không quan trọng bằng thập giá Chúa chịu chết vì tại đây công chính và tình yêu của Thiên Chúa đối diện với nhau. Công chính đòi hỏi án phạt và Chúa Giê-xu đã lãnh án phạt đó để công chính và tình yêu được thỏa mãn: án phạt được thi hành mà tình yêu vẫn không sứt mẻ. Nhưng tình yêu nào cũng vậy, đều đòi hỏi một đáp ứng. Chúa yêu chúng ta nhưng chúng ta đáp ứng như thế nào trước tình yêu Thiên Chúa?