Giê-ri-cô Kỳ Thú
Giê-ri-cô, một trong những thành cổ nhất trên thế giới, cũng là thành đầu tiên dân Israel tiến chiếm, nhờ phép lạ các bức tường thành sụp đổ.
Trớ trêu thay, đất hứa Giê-ri-cô (cùng với Dải Gaza) là phần lãnh thổ đầu tiên Israel chuyển nhượng cho người Palestine năm 1994 theo hiệp định hòa bình giữa hai bên. Yasir Arafat, lãnh tụ Palestine có nhà cửa, đất đai ngay trong thành nầy.
Bốn dặm về phía tây sông Jordan, 10 dặm về phía bắc Biển Chết, Jericho là một trong những thành phố thấp nhất trên thế giới, khoảng 800 feet (244m) dưới mặt nước biển và thấp hơn Jerusalem 3500 feet.
Ðó là lý do trong chuyện người Samari nhân lành, Chúa Giê-xu nói “từ Jerusalem xuống Jericho” (Lu-ca 10:30). Một cổ thành, chỗ thấp nhất, Jericho lại là một thành rất nhỏ bé, chỉ 10 héc-ta (10 acres).
Jericho được gọi là Thành Phố Chà Là – the city of palm trees (Phục truyền 34:3; 2 Sử ký 28:15) với bóng chà là xanh tươi, tô điểm phố phường. Jericho, rừng chà là trù phú, nặng trĩu trái - đẹp mắt, dễ nhìn.
Chà là Jericho ngọt lịm, hấp dẫn nhất vùng. Chà là ăn tươi, chà là khô, chà là đóng hộp - đặc sản và là một nguồn lợi tức quan trọng của Jericho. Cây chà là sắp hàng hai bên đường – cho Jericho dáng nét tình tứ, quý phái đặc biệt.
Khách du lịch thích thú ăn chà là dưới lọng cây chà là phủ bóng. Các đôi uyên ương say sưa chụp hình, quay phim bên cây chà là - rộn rã như người ta đi rước dâu. Mấy ông hoàng Á-rập trồng chà là cho biệt thự lộng lẫy của họ thêm vẻ kiêu sa.
Ngoài chà là và các tòa lâu đài tân cổ giao duyên, cái gì làm cho Jericho nổi bật, độc đáo? Nước! Nước là nguồn tài nguyên dồi dào và quý báu nhất. Suối nước Ê-li-sê nổi tiếng (2 Các Vua 2:18-22) – chiếm cứ một vùng trời thật đẹp giữa thành phố. Nhân viên hướng dẫn du lịch của chúng tôi gọi là “bạch kim – white gold.”
Giữa vùng sa mạc Palestine nắng cháy, đồi đá khô cằn, Jericho là một ốc đảo thần tiên, kỳ thú. Nhờ suối nước phong phú nầy và các mạch nước ngầm, Jericho là thành phố trù phú, tươi mát, đầy sức sống, thu hút du khách xa gần và là niềm hãnh diện của dân địa phương – nhất là người Palestine hiện nay.
Nhờ nằm gần khúc cạn của sông Jordan và các trục lộ giao thông đông tây, Jericho là trung tâm giao thương lý tưởng. Mùa đông ở đây ấm áp, ôn hòa. Tài nguyên thiên nhiên, cảnh đẹp và địa thế phòng thủ thiên nhiên kiên cố là lý do Jericho được chú tâm đặc biệt, bị dòm ngó, xâm chiếm và đổi chủ nhiều lần.
Sau 400 năm nô lệ đau thương tại Ai-cập, địa điểm chót của hành trình sa mạc 40 năm, dân Israel dừng chân tại đồng bằng Mô-áp, phía đông của sông Giô-đanh (Dân số ký 22:1; 26:3, 63).
Giô-suê, tổng tư lệnh quân đội sai hai thám tử đi trinh sát Ðất Hứa, đặc biệt thành Giê-ri-cô. Jericho, mục tiêu chiến lược quân sự đầu tiên, là thành trì then chốt, kiên cố nhất của cả vùng Ca-na-an.
Vừa vượt qua sông Giô-đanh (Giô-suê chương 3), Jericho nằm ngay trên đường tiến quân của Israel vào miền Ðất Hứa. Vì địa thế chiến lược, Giô-suê phải tiến chiếm Jericho trước, để khống chế cả vùng Giu-đa.
Hai thám tử đến nhà Ra-háp, một gái mãi dâm, và trọ tại đó (Giô-suê 2:1). Tin thám tử Israel nhanh chóng đến tai vua Jericho. Ra-háp bắt buộc phải khai báo. Nàng thú nhận gặp hai thám tử nhưng đoan chắc họ đã ra đi lúc trời gần tối, trước khi cổng thành đóng lại.
Ra-háp đánh lừa lính hoàng gia một cách rất khôn khéo, bảo họ đuổi theo gấp để bắt thám tử Israel. Sự thật, chính nàng đã giấu hai thám tử ngay trên mái nhà mình, chất rạ lanh lên trên để ngụy trang.
Khi lính đi rồi, Ra-háp thú nhận với hai thám tử lý do nàng hết lòng giúp đỡ, và bảo che họ. Nàng kính sợ Ðức Chúa Trời của Israel, tin chắc rằng Ngài đã cho tuyển dân mình đắc thắng.
Ra-háp dùng một sợi dây thừng đỏ dòng hai thám tử qua cửa sổ, vì nhà nàng ở ngay trên vách thành. Nàng bảo họ leo núi trú ẩn ba ngày, chờ lính tầm nã trở về rồi mới lên đường. Hai thám tử đồng ý thưởng công cho nàng.
Khi Israel tấn công Jericho, Ra-háp đã tập họp đầy đủ gia đình cha mẹ, bà con trong nhà mình và cột sợi dây thừng đỏ nơi cửa sổ – như lời hai thám tử căn dặn. Sợi dây cứu mạng hai thám tử cũng là sợi dây cứu mạng Ra-háp và đại gia đình nàng.
Trong khi dân thành Jericho bị tận diệt thì cả gia đình Ra-háp được sống và được dân Israel tiếp đãi rất nhân hậu. Nhờ niềm tin vững chắc nơi Ðức Chúa Trời thành tín, Ra-háp được tiếp nhận vào tuyển dân, lập gia đình và có con cái.
Con trai của nàng là Bô-ô. Gie-se là cháu nội – người sinh vua Ða-vít (Ma-thi-ơ 1:5). Tên Ra-háp được vinh danh chung trên bảng vàng của các anh hùng đức tin trong dòng Sử Thiêng Trên Ðất Thánh. Ra-háp là tổ mẫu của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Tại sao gái mãi dâm Ra-háp được kể đồng hạng với Áp-ra-ham, Giô-sép, Môi-se, Sa-mu-ên, Ða-vít (Hê-bê-rơ 11)? Vì hành động đức tin của nàng là một gương mẫu ngời sáng cho người theo Chúa. Ðức tin sống phải thể hiện qua việc làm cụ thể (Gia-cơ 2:25).
Ðức Chúa Trời hứa Giô-suê sẽ chiến thắng và bảo ông dẫn chiến sĩ đi vòng quanh thành sáu ngày liên tiếp, mỗi ngày một lần, rồi về nghỉ đêm trong trại. Bảy thầy tế lễ cầm “tù và” bằng sừng dê đi trước Rương Giao Ước, vừa đi vừa thổi. Chiến sĩ yên lặng theo sau.
Toàn dân Israel đóng trại tại đồng bằng Ginh-ganh, cách Jericho hai dặm. Mỗi ngày họ ngước nhìn tường thành Jericho kiên cố, ngạo nghễ. Trong thành, vua quan Jericho thấy rõ trại quân Israel.
Người Jericho đã nghe những phép lạ nhiệm mầu Chúa giải cứu dân Ngài ra khỏi Ai-cập. Ai-cập, cường quốc hùng mạnh phải bó tay đầu hàng trước đám dân nô lệ? Phải, họ đã nghe Môi-se chiến thắng các vua Si-hôn, Óc của người A-mô-rít và tiêu diệt tất cả (Giô-suê 2:9-11).
Tường thành cao, địa thế hiểm trở có làm quân dân Jericho vững tâm? Không, họ “khiếp sợ, lòng họ tan ra như nước.” Không phải họ sợ dân Israel, Môi-se hay Giô-suê. Họ sợ Ðức Chúa Trời quyền năng vô hạn của Israel. Ngài đã ban cho dân Ngài miền Ðất Hứa phì nhiêu – đượm sữa và mật.
Ngày thứ bảy, toàn dân Israel dậy lúc rạng đông và đi vòng quanh thành sáu lần như trước. Ðến vòng thứ bảy, khi các thầy tể lễ thổi kèn một tiếng dài, Giô-suê ra lệnh cho nhân dân: “Thét lên! Vì Chúa đã ban cho anh chị em thành nầy!”
Nhân dân vùng la lớn lên. Vừa khi tiếng kèn và tiếng nhân dân la vang lên, vách thành sụp đổ. Mỗi người xung phong ngay trước mặt mình, chiếm thành Jericho.
Giô-suê đặt một lời rủa sả cho bất cứ ai xây cất lại Jericho (Giô-suê 6:26). Lời rủa sả nầy được ứng nghiệm khoảng 500 năm sau. Khi Hi-ên bắt đầu xây nền, con trai đầu lòng chết. Khi Hi-ên dựng cổng thành, con trai út chết – đúng y như Lời Chúa đã dùng Giô-suê báo trước (1 Các Vua 16:34).
Jericho được đề cập trong Cựu Ước qua một số các biến cố độc đáo. Các sứ giả của vua Ða-vít bị vua Am-môn cho cạo sạch râu bên mặt và quần áo của họ bị cắt một nửa - để hạ nhục. Ða-vít cho họ tạm trú tại Jericho, chờ râu mọc trước khi về Jerusalem (2 Sa-mu-ên 10:5).
Jericho là nơi Ê-li-sê mở trường Kinh thánh đào tạo tiên tri (2 Các Vua 2:5). Thừa kế chức vụ tiên tri của Ê-li, từ sông Giô-đanh trở về, Ê-li-sê được dân thành Jericho tiếp đón. Họ than thở, “nước độc, đất chai,” mong đợi Ê-li-sê làm phép lạ.
Ê-li-sê sẽ làm gì? Mời quý vị đọc Các Vua II, 2:20-21. Ê-li-sê không thể làm phép lạ – nhưng Ðức Chúa Trời toàn năng vô hạn làm phép lạ – qua đầy tớ trung kiên của Ngài.
Ê-li-sê bảo dân thành đem cho ông một bát còn mới với muối trong đó. Ê-li-sê đi đến suối nước, đổ muối xuống suối và nói: “Chúa phán: Ta chữa lành nguồn nước nầy. Từ nay nước sẽ không gây chết chóc nhưng làm cho đất sinh sản hoa mầu. Và từ đấy đến nay, nước hóa lành như lời Ê-li-sê đã nói.”
Jericho cũng là nơi vương quốc miền Bắc chiến thắng, trao trả tù binh cho vương quốc Giu-đa miền Nam (2 Sử ký 28:15). Về sau, quân Ba-by-lôn đắp lũy, bao vây thành Jerusalem. Lương thực trong thành cạn sạch. Nạn đói hoành hành dữ dội.
Vua Giu-đa và quân lính bỏ kinh thành chạy trốn qua một cổng nhỏ gần vườn thượng uyển. Quân Ba-by-lôn đuổi theo. Sê-đê-kia, vị vua cuối cùng bị bắt sống tại Jericho. Quân lính bỏ vua, chạy tán loạn trong nhục nhã kinh hoàng.
Sê-đê-kia phải chứng kiến tận mắt hình ảnh đau thương các con mình bị giết. Chính vua bị móc mắt, xiềng lại bằng xích đồng, giải về Ba-by-lôn. Quân đội Giu-đa tan rã, kinh thành thất thủ, nhằm năm 586 Trước Chúa (2 Các Vua 25:5).
Jericho lọt vào tay người Ba-by-lôn và thành được xây cất lại sau khi dân Israel lưu đày hồi hương. Jericho liên tục là nơi nghỉ mát lý tưởng trong tay các đế quốc.
Jericho được nhắc nhở thêm hai lần nữa trong Cựu Ước khi kiểm tra dân số thời E-xơ-ra và Nê-hê-mi (E-xơ-ra 2:34; Nê-hê-mi 7:36). Dân thành Jericho cũng góp công sức trong việc xây lại tường thành Jerusalem (Nê-hê-mi 3:2).
Thời Tân Ước, Ðại đế Herod và con cháu ông dùng Jericho làm kinh đô mùa đông, xây lại thành một dặm về phía nam của Jericho thời Cựu Ước, với lâu đài và vườn thượng uyển hai bên bờ suối.
Kiến trúc hoàng gia dùng đá quý và theo khuôn mẫu xây cất của kinh thành La-mã. Chúa Giê-xu chữa lành hai người mù ngồi bên đường. Họ được sáng mắt liền và rời thành Jericho để theo Chúa (Ma-thi-ơ 20:29, 34).
Jericho vang bóng vượt thời gian vì Chúa Cứu Thế Giê-xu đã từng viếng thăm. Con đường chính từ Jericho về Jerusalem – hướng tây - quanh co, nguy hiểm. Quân trộm cướp thường rình rập sau bụi rậm hoặc bờ đá cheo leo. Ðây là khung cảnh trong câu chuyện trứ danh Chúa kể về người Samari nhân lành (Lu-ca 10:33).
Một lần khác, Chúa Giê-xu đi ngang Jericho, được Xa-chê lùn, một nhân viên thuế vụ cao cấp tiếp đón nồng hậu. Dân chúng bất mãn, phàn nàn vì Xa-chê là người gian ác, tham lam, lạm quyền. Tại sao Chúa muốn gặp Xa-chê?
Vì Chúa muốn đem ân cứu rỗi đến gia đình ông. Chúa nói, “Ta đến trần gian để tìm và cứu những người lầm lạc” (Lu-ca 19:10). Tạ ơn Chúa, gặp Chúa, Xa-chê được đổi mới hoàn toàn. Ông lấy một nửa tài sản phân phát cho người nghèo và đền bù gấp tư những người ông đã lạm thu tiền thuế - thể hiện rõ ràng tấm lòng thành tâm ăn năn hối lỗi.
Thăm viếng Jericho, chắc chắn nhân viên du lịch sẽ kể cho quý vị nghe câu chuyện Xa-chê lý thú và chỉ cho quý vị “cây sung Xa-chê” mà người ta tin rằng – ông đã trèo lên – chờ đón Chúa.
Jericho tráng lệ, huy hoàng của thời Herod vàng son chìm dần vào quên lãng. Lâu đài, biệt thự có khi hoang tàn, đổ nát như sự sụp đổ của đế quốc La-mã và sự suy tàn của dòng họ Herod.
Qua nhiều thế kỷ, Jericho chỉ là một làng Hồi giáo nghèo khổ, điêu tàn, bẩn thỉu. Nhưng từ thời Israel tái lập quốc năm 1948, Jericho được phục hồi, xây dựng, mở rộng và càng trở nên tân tiến.
Jericho bây giờ là một trong những thành phố quan trọng hàng đầu trong vùng Tây ngạn sông Giô-đanh - gọi là the West Bank - tương đối bất ổn và thường xảy ra nhiều tranh chấp gay cấn giữa Israel và Palestine.
Một vài bài học Jericho cho chúng ta hôm nay? Ra-háp nhìn thấy dân Israel bao vây - sợ hãi như mọi người, nhưng chỉ một mình nàng đến với Chúa để được cứu rỗi. Một người tội lỗi, bị cuộc đời khinh rẽ chọn đến với Chúa.
Bạn mang mặc cảm tội lỗi, thất bại? Hãy học theo gương Ra-háp, nắm lấy tay Chúa. “Vì lòng yêu thương, Jê-sus đã đến để đỡ linh hồn của chính tôi lên. Ngài gọi tôi khi lòng chưa nghe thấy. Tiếng Thánh Linh giục giã ác tâm đây. Từ hồi tôi tin lời hứa quý báu, Chúa thứ tha, nâng vực tôi. Dùng tay âu yếm cứu vớt thân linh. Từ trong hang thẳm lên chốn cao thay. Chúc tụng chân Chúa, Ðấng cứu vớt tôi.”
Chúa hứa đánh bại quân thù và ban Jericho cho Giô-suê. Nắm chặt lời hứa, Giô-suê ra trận, tin chắc quân thù đã bị đánh bại và Jericho đã thuộc về mình. Satan, kẻ thù của chúng ta đã bị đánh bại tại thập tự giá (La-mã 8:37-39; Hê-bơ-rơ 2:14-15; 1 Giăng 3:
. Chúng ta đắc thắng nhờ quyền năng của Cứu Chúa Phục sinh.
Anh Chị và tôi còn lại chút “rễ đắng” hay “đất chai” nào của cuộc đời cũ? Hãy xin Chúa chữa lành. Chúa phán, “Ta chữa lành.” Chúng ta sẽ được chữa lành, đổi mới và kết quả cho Ngài. Chúng ta sẽ thành “mạch nước ngọt” và “đất lành,” mặn mà cho người khao khát Chúa.
Chúa không né tránh người gian dối, khó thương, phản bội – như chúng ta thường làm. Chúa yêu thương Xa-chê. Gặp Chúa, ông được đổi mới. Ăn năn, hối lỗi trong lòng chưa đủ, Xa-chê thể hiện qua hành động.
Xin Chúa cho Anh Chị và tôi thể hiện tấm lòng đổi mới và đức tin sống qua việc làm hữu ích mỗi ngày. Yêu thương cứu giúp người khác với chân tình, cụ thể, như người Samari nhân lành. Tạ ơn Chúa về Giê-ri-cô kỳ thú! Amen.